Tết đông chí, nhà nào cũng làm bánh "phoóng phù" để cúng tổ tiên. Bánh được làm từ loại gạo tiếng Tày, Nùng gọi là "khảu nu mù" (gạo nếp mùa một loại gạo đặc sản nổi tiếng), loại gạo này vừa dẻo vừa thơm. Đường phên là một nguyên liệu không thể thiếu khi làm "phoóng phù", đường này được làm từ mía, có màu đỏ, ăn rất ngọt

Lạng Sơn quê tôi có mùa đông kéo dài từ tháng 10 năm trước đến tháng 2 năm sau. Nhiều năm còn có sương muối và băng giá. Là những cư dân sinh sống ở vùng miền núi xứ Lạng, nên người Tày và Nùng từ lâu đã tích lũy được rất nhiều kinh nghiệm thích nghi với thời tiết, một trong số đó là ẩm thực. "Phoóng phù" là thứ bánh được làm vào những ngày lạnh nhất của mùa đông, ngày đông chí.

Bánh phoóng phù chuẩn bị cho vào nồi nước đường - Vua Đặc Sản

Tết đông chí, nhà nào cũng làm bánh "phoóng phù" để cúng tổ tiên. Bánh được làm từ loại gạo tiếng Tày, Nùng gọi là "khảu nu mù" (gạo nếp mùa một loại gạo đặc sản nổi tiếng), loại gạo này vừa dẻo vừa thơm. Đường phên là một nguyên liệu không thể thiếu khi làm "phoóng phù", đường này được làm từ mía, có màu đỏ, ăn rất ngọt.

Những chiếc bánh phoóng phù tròn tròn, xinh xinh - Vua Đặc Sản

Ngày đông chí, từ sáng sớm tinh mơ khi gà còn chưa gáy các mẹ các chị đã dậy ngâm gạo nếp. Muốn bánh có màu đỏ, người ta ngâm gạo với hạt gấc. Để bánh dẻo mềm, người ta phải ngâm gạo với nước nóng để gạo uống nước no căng, hạt tròn mẩy.

Khi gạo đã nở, người ta mang đi xay. Trước đây, khi chưa có máy xay công nghiệp, người Tày, Nùng quê tôi phải xay gạo bằng cối đá. Tại những nhà có cối đá, thanh niên nam nữ trong bản tụ tập đến xay bột, tiếng cười nói cùng với tiếng hát sli như muốn phá tan cái lạnh lẽo của mùa đông miền sơn cước.

Muốn bánh có màu đỏ, người ta ngâm gạo với hạt gấc - Vua Đặc Sản

Xay xong, người ta cho bột vào túi vải treo lên cho chảy hết nước. Khi bột vừa chảy hết nước, các mẹ các chị liền lấy bột nặn thành bánh, từng chiếc tròn to bằng đầu ngón tay cái. Thả bánh vào nồi nước đường thắng vừa đủ độ, bánh nhảy múa trong nồi nước đường. Để bánh thơm ngon hơn, người ta cho thêm mấy lát gừng. Gừng vừa làm bánh có vị cay cay, vừa giúp làm ấm cơ thể.

 

Khi bánh chín mở nắp nồi, mùi thơm của gừng và mía tỏa ngào ngạt. Múc bánh với nước đường vào bát, màu trắng của bánh quyện với màu nâu của đường óng lên sóng sánh. Đưa bánh vào miệng, cắn nhẹ một cái, bột bánh mềm dai, vị ngọt của đường, vị cay cay của gừng tất cả hòa quyện lại trong từng chiếc bánh thơm lừng. Bánh "phoóng phù" nóng hổi, ăn giữa những ngày đông giá buốt, ngồi bên bếp lửa, vừa ăn vừa ngắm nhìn ngọn lửa bập bùng, hình ấy ấy mới đẹp làm sao.

Chén phoóng phù thơm lừng, hấp dẫn - Vua Đặc Sản

Lớn lên, sống xa quê đã bao tháng bao ngày, nhưng mỗi khi đông đến, người Tày và Nùng lại nhớ đến một món bánh khó quên mang tên "phoóng phù". Đã có người ví von rằng, "phoóng phù" là nỗi nhớ niềm thương, để mỗi khi gió lạnh về lòng người lại nao nao nhớ núi rừng quê hương.

Theo 24h.com.vn


Tin liên quan

Không có bình luận nào cho bài viết.

Viết bình luận

TOP