Rau, củ là những thực phẩm lành mạnh cho sức khỏe, nhưng có một số loại lại ẩn chứa độc tố nguy hiểm nếu chúng ta không biết cách ăn.

Giá đỗ không rễ

Giá đỗ giá trị dinh dưỡng cao, là loại rau phổ biến trên bàn ăn. Tuy nhiên giá đỗ không có rễ thì tuyệt đối tránh mua. Trong quá trình sản xuất loại giá đỗ này, ngoài một lượng lớn nguyên liệu hóa học như chất kích rễ, chất bảo quản, người trồng có thể còn sử dụng các nguyên liệu hóa học độc hại như bột tẩy trắng, chất giữ tươi, khiến chúng chứa nhiều độc tố bên trong.

Giá đỗ không rễ

Mộc nhĩ tươi

Mộc nhĩ (nấm mèo) tươi là một loại rau quen thuộc mang đến nhiều lợi ích cho sức khỏe. Đây là một vị thuốc Đông Y có vị ngọt tính bình, đi vào đại tràng, thận, can và các kinh tỳ vị. Sử dụng mộc nhĩ làm mát máu và giúp ngừng chảy máu do trầy xước, va đập.

Thế nhưng, trong loại thực phẩm này lại chứa chất porphyrin vốn nhạy cảm với ánh sáng. Do đó, sau khi ăn mộc nhĩ tươi, bạn có thể sẽ bị ngứa, viêm da, thậm chí là phù và đau nhức nếu ra ngoài trời nắng.

Do đó, chúng ta không nên ăn mộc nhĩ tươi mà thay vào đó hãy chọn những mộc nhĩ khô. Đó là vì trong quá trình phơi, nắng nóng sẽ loại bỏ lượng lớn thành phần porphyrin ra khỏi mộc nhĩ. Khi sử dụng mộc nhĩ khô, chúng ta thường ngâm với nước để chúng nở ra. Việc này góp phần loại bỏ số porphyrin còn sót lại trong mộc nhĩ.

Ăn mộc nhĩ tươi có thể bị ngứa, viêm da, thậm chí là phù và đau nhức

Củ gừng thối

Gừng là loại thực phẩm rất được ưa chuộng trong ẩm thực Việt vì hương vị cay, thơm đặc trưng và rất tốt cho sức khỏe. Thế nhưng, khi củ gừng thối sẽ sinh ra một loại độc tố có tên gọi là safrol. Chất này khi vào cơ thể sẽ gây thoái hoá và hoại tử một số loại tế bào mô trong cơ thể, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh ung thư như ung thư gan, ung thư thực quản.

Một điểm cần lưu ý, một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng khi gừng đã bị hỏng dù chỉ một phần nhỏ, thì toàn bộ củ gừng đã chứa độc tố shikimol. Do đó, để đảm bảo an toàn cho sức khỏe, bạn nên vứt bỏ hoàn toàn củ gừng ngay cả khi chúng chỉ hỏng một phần ít nhé!

Cà chua xanh

Cà chua là thực phẩm rất phổ biến trong các món ăn của người Việt. Đây là nguồn thực phẩm cung cấp một lượng vitamin dồi dào cho cơ thể. Thế nhưng đã không ít các trường hợp bị ngộ độc, thậm chí là tử vong do sử dụng cà chua sai cách.

Đó là vì trong quả cà chua xanh (cà chua chưa chín) có chứa tomatidine - một chất kịch độc có thể khiến cho chúng ta cảm thấy chóng mặt, buồn nôn và nôn khi tiêu thụ một lượng nhẹ. Và nếu lượng tomatidine đi vào cơ thể quá lớn, rất có thể sẽ khiến chúng ta nguy hiểm.

Bên cạnh đó, solanin - một ancaloit khá độc, thường xuất hiện nhiều trong mầm khoai tây cũng được tìm thấy trong cà chua xanh. Chất này sẽ tự động biến mất khi cà chua đã chín đỏ.

Cà chua xanh

Đậu đũa

Đậu đũa là họ nhà đậu nên giàu protein thực vật, chứa nhiều dưỡng chất thiết yếu khác như ka-li, can-xi, ma-giê, phốt-pho, sắt, natri, kẽm, đồng, mangan và selen.

Đậu đũa có hàm lượng lectin, chất độc nguy hiểm nếu ăn sống. Lectin sẽ tích tụ trong cơ thể gây ngộ độc với các biểu hiện như đau bụng, buồn nôn, xây xẩm mặt mày, tình trạng nặng dẫn đến choáng ngất, thậm chí tử vong. Tuy nhiên khi nấu chín, chất này sẽ bị phân hủy, không còn gây nguy hại.

Măng

Măng chứa độc chất gọi là cyanogen glucosides, có thể gây tê miệng, chóng mặt, nôn mửa, khó thở, thậm chí co giật, hôn mê và ngừng tim. Đặc biệt những người mắc bệnh hen suyễn, viêm phế quản mãn tính, bệnh ngoài da, khả năng miễn dịch kém, dị ứng rất dễ gặp các triệu chứng khó chịu khi ăn măng.

Măng sẽ không dễ gây ngộ độc nếu chúng được xử lý đúng cách: Đầu tiên, bạn bóc bỏ lá măng, bỏ rễ rồi thái thành lát mỏng, đun sôi trong nước muối nhạt khoảng 10 phút để loại bỏ hầu hết chất độc. Không ăn măng tươi hoặc nấu chưa chín kỹ để phòng ngộ độc.

Sắn

Sắn cung cấp nhiều tinh bột, song các chuyên gia cảnh báo nó sẽ gây hại đến sức khỏe nếu không biết cách chế biến. Sắn sống chứa glucosides cyanogenic kích thích sản xuất chất hydrogen cyanide rất độc. Một người ăn 150 đến 300 gram sắn sống, nó có thể gây ngộ độc và thậm chí tử vong.

Khi chế biến nên lột hết vỏ sắn rồi ngâm vào nước (nước vo gạo càng tốt). Khi luộc mở nắp nhiều lần để chất độc bay hơi bớt, nếu thấy có vị đắng nên bỏ đi. 

Khoai tây mọc mầm

Khoai tây là loại thực phẩm phổ biến với người Việt, tuy nhiên trong củ khoai tây có thành phần độc hại là solanine. Toàn bộ cây đều chứa độc tố này, nhưng hàm lượng của mỗi phần là khác nhau, đặc biệt là có rất nhiều trong khoai tây nảy mầm.

Chất này khi ăn vào cơ thể sẽ gây ra ngộ độc nhanh chóng với các biểu hiện như cứng lưỡi, thanh quản tê liệt, buồn nôn, nôn mửa, đau bụng, tiêu chảy, nóng rát dạ dày và các triệu chứng khác. Nếu như bạn gọt bỏ mầm mọc trên củ khoai, chất độc vẫn còn lưu lại trong phần còn lại, có thể sẽ gây ngộ độc ở một mức nhẹ hơn, giống như cảm giác trúng gió.

Để ngăn ngừa ngộ độc khoai tây, khi thấy rằng phần nảy mầm hoặc thịt có màu đen và xanh, tốt nhất không nên ăn.

Không nên ăn khoai tây mọc mầm 

Quý khách có nhu cầu đặt hàng Gọi ngay HOTLINE 0907 266 388 

Tại khu vực Đông Bắc (CN Hải Phòng): 0888 75 63 68

Tại khu vực Tây Bắc (CN Lào Cai): 0836 738 333

Tại khu vực Miền Nam (CN Vũng Tàu): 0983 003 524

(CN TP Hồ Chí Minh): 0764 71 6262


Tin liên quan

Từ khóa: rau chứa độc tố, giá đỗ không rễ, mộc nhĩ tươi, gừng thối, cà chua xanh, đậu đũa, măng, sắn, khoai tây mọc mầm

Không có bình luận nào cho bài viết.

Viết bình luận

TOP