Nguồn gốc Tết Trung Thu có liên quan đến nhiều tín ngưỡng khác nhau của người xưa. Trung thu mang nhiều ý nghĩa về tình yêu thương, sum họp và lòng biết ơn với những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Tết Trung Thu hay còn được gọi là ngày Rằm tháng Tám, đây là một trong những lễ hội truyền thống quan trọng của người dân Việt Nam và một số quốc gia trong khu vực Đông Á. Cùng tìm hiểu về nguồn gốc Tết Trung Thu và ý nghĩa của ngày lễ đặc biệt này cùng Vua Đặc Sản nhé!
1. Tết Trung Thu bắt nguồn từ đâu?
Nguồn gốc của Trung Thu là từ đâu? Tết Trung Thu có nguồn gốc từ quốc gia nào? hay Tết Trung Thu có nguồn gốc từ nước nào? Trung Thu là một ngày lễ rất quen thuộc tại Việt Nam, nhưng không phải ai cũng có thể trả lời những câu hỏi này.
Có lẽ không phải ai cũng biết nguồn gốc của Tết Trung Thu là từ Trung Quốc. Trong triều đình Trung Hoa thời xưa, Trung Thu là dịp tổ chức lễ tế thần Thái Âm Tinh Quân, một thần linh quan trọng trong Đạo giáo và tín ngưỡng dân gian Trung Quốc. Tuy nhiên, Tết Trung thu chỉ bắt đầu trở nên phổ biến và trở thành lễ hội trên cả nước từ thời nhà Đường. Trong văn hóa Trung Quốc, Tết Trung thu được coi là một lễ hội quan trọng và được tổ chức vào ngày Rằm tháng Tám âm lịch hàng năm.
Tết Trung Thu đã xuất hiện ở Trung Quốc này từ hàng ngàn năm nay và sau đó lan rộng sang các quốc gia trong khu vực Đông Á như Việt Nam, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan…
Tết Trung Thu - ngày lễ đặc biệt tại nhiều quốc gia
2. Tết Trung Thu xuất hiện ở Việt Nam từ khi nào?
Nguồn gốc và ý nghĩa của Tết Trung Thu ở Việt Nam luôn là chủ đề được nhiều người quan tâm, đặc biệt là giới trẻ. Theo các nhà khảo cổ học, Tết Trung Thu hay rằm Trung Thu ở Việt Nam đã tồn tại từ thời xa xưa và được ghi chép trên mặt trống đồng Ngọc Lũ. Văn bia chùa Đọi năm 1121 cũng chứng minh rằng từ thời nhà Lý, Tết Trung thu đã được tổ chức chính thức tại kinh thành Thăng Long với các cuộc đua thuyền, múa rối nước và cuộc rước đèn. Trong thời kỳ Lê - Trịnh, Tết Trung thu được tổ chức tại phủ Chúa với sự hoành tráng, như đã được miêu tả trong "Tang thương ngẫu lục". Theo dân gian lưu truyền, nguồn gốc Tết Trung Thu ở Việt Nam cũng xuất phát từ Trung Quốc.
Trong ngày này, người ta bày cỗ với bánh trái hình mặt trăng, treo đèn kết hoa, nhảy múa, ca hát và múa lân rất sôi động. Người lớn thi làm cỗ, làm bánh, múa lân, trẻ con thì rước đèn. Nhiều gia đình cũng bày cỗ riêng cho trẻ em. Trong mâm cỗ truyền thống thường có ông tiến sĩ giấy đặt ở vị trí đẹp nhất, bao quanh bởi các loại bánh và trái cây. Hiện nay, các khu vực dân phố và trung tâm thương mại lớn đều tổ chức trang trí và các hoạt động đặc biệt cho trẻ em. Những nơi này thu hút rất nhiều phụ huynh đưa con em đến tham gia vui chơi và chụp ảnh.
3. Ý nghĩa phong tục Tết Trung Thu ở Việt Nam
Trăng tròn là biểu tượng của sự đoàn viên và Trung Thu được biết đến là Tết của gia đình sum họp, đây còn là dịp để cùng nhau tưởng nhớ và thể hiện lòng biết ơn với ông bà tổ tiên. Tết Trung Thu là ngày lễ đặc biệt dành riêng cho trẻ em, đây là cơ hội để các em được vui chơi, rước đèn, phá cỗ.
Trẻ em được người lớn mua cho những món đồ chơi như đèn lồng, ngôi sao
Tết Trung Thu gắn liền với nhiều phong tục và truyền thống độc đáo của mỗi quốc gia. Nguồn gốc Tết Trung Thu là từ Trung Quốc nên khi du nhập vào nước ta vẫn giữ được những phong tục nổi bật như:
- Múa Lân: Con Lân được coi là biểu tượng của điềm lành. Múa lân thường diễn ra vào hai đêm 14 và 15. Màn múa lân thường bao gồm một người đội đầu lân, một người cầm đuôi và nhảy theo nhịp điệu tiếng trống. Ngoài ra, còn có thanh la, não bạt, đèn màu sắc, cờ ngũ sắc và người cầm côn đi hộ vệ đầu lân.
- Hát trống quân: Nam nữ hát đối đáp với nhau, đánh nhịp vào một sợi dây gai hoặc dây thép căng trên một chiếc thùng rỗng, tạo ra âm thanh "thình thùng thình" vui tai.
- Ngắm trăng để tiên đoán về mùa màng và vận mệnh quốc gia: Nếu trăng màu vàng, dự báo năm đó sẽ có một mùa màng bội thu, còn nếu trăng màu xanh hoặc lục, dự đoán năm đó có thể gặp phải thiên tai. Trong khi đó, trăng màu cam trong sáng được xem là dấu hiệu của thịnh vượng và thành công cho đất nước.
- Rước đèn, phá cỗ: Tết Trung Thu là một dịp Tết dành riêng cho trẻ em. Ngay từ đầu tháng, người lớn bắt đầu trang trí Trung Thu bằng những chiếc đèn lồng đa dạng về màu sắc và hình thù. Người ta còn làm những mâm cỗ độc đáo với hoa quả, bánh Trung Thu, bánh kẹo… Vào đêm Trung Thu, trẻ con tụ tập cùng nhau rước đèn. Mỗi đứa cầm trên tay một chiếc đèn xếp, đèn lồng, đèn ông sao, đèn con giống... khiến đường phố trở nên thật rực rỡ. Chúng còn ca hát vui vẻ chơi đùa cùng nhau và lon ton chạy theo đội múa lân đến từng nhà xin bánh kẹo.
4. Tết Trung Thu ở những quốc gia khác có gì đặc biệt?
Nhật Bản
Tại xứ sở hoa anh đào, tết Trung thu có tên gọi là Tsukimi hay Otsukimi, có nghĩa là ngắm trăng. Truyền thống này du nhập vào Nhật từ 1.000 năm trước. Otsukimi nhằm tôn vinh mặt trăng trong mùa thu, thời điểm trăng tròn vẹn, hoàn thiện nhất. Lễ hội phản ánh phần nào quan điểm duy mĩ gắn bó với thiên nhiên của xứ Phù Tang
Trong dịp này, người dân mặc trang phục truyền thống và mang đồ cúng đến đền thờ. Ở nhà họ bày biện cây cỏ lau, biểu tượng của sự may mắn và hạnh phúc. Không phải bánh Trung thu, người Nhật sẽ ăn bánh gạo tsukimi dango, khoai môn, uống trà và ngắm trăng.
Ngày nay, người Nhật không còn sử dụng lịch âm lịch, tuy nhiên họ vẫn tổ chức Trung thu rầm rộ. Người Nhật vừa ngắm trăng, vừa ăn những món ăn truyền thống. Họ bày bánh gạo nếp thành mâm lớn để trước thềm nhà, vừa thong thả ngắm trăng, vừa chuyện trò, ăn uống. Trẻ em Nhật Bản cũng tham gia lễ hội rước đèn lồng cá chép.
Bánh tsukimi dango - bánh trung thu của người Nhật
Trung Quốc
Trung thu là một trong 4 lễ lớn của người Trung Quốc, dịp để mọi người trong gia đình đoàn tụ bên nhau, ăn bữa cơm đoàn viên. Theo truyền thuyết, người Trung Quốc thường sẽ uống rượu và ngắm trăng vào ngày lễ này, nên người ta còn gọi đây là tết ngắm trăng. Vào đêm Trung thu, bên cạnh ăn uống, trò chuyện, người Trung Quốc còn có các phong tục khác như tế trăng, thả đèn hoa đăng, thắp đèn lồng giấy, giải câu đố, múa lân…
Món ăn truyền thống trong ngày Tết Trung thu ở Trung Quốc là bánh nướng, có hình tròn tượng trưng cho sự vẹn tròn, viên mãn. Bánh Trung thu của người Hoa rất giống của người Việt với phần vỏ mỏng, nhân hạt sen, đậu xanh, trứng muối… Ở mỗi vùng của Trung Quốc thì món bánh truyền thống này sẽ có sự biến tấu tùy khẩu vị.
Trung Thu là một trong bốn lễ lớn của người Trung Quốc
Hàn Quốc
Tại Hàn Quốc, Tết Trung thu được gọi là Chuseok (nghĩa là đêm mùa thu, đêm trăng đẹp nhất năm) sẽ kéo dài 3 ngày (từ 14 đến 16/8 âm lịch). Đây là dịp, người dân xứ sở kim chi sẽ trở về quê hương, gia đình sum họp thực hiện các hoạt động cúng bái, đi tảo mộ, tặng quà nhau. Họ tạ ơn tổ tiên và cầu mong mùa màng bội thu, cuộc sống no đủ.
Người Hàn có món bánh riêng cho dịp này với tên gọi là Songpyeon. Món bánh này có hình tựa vầng trăng khuyết hoặc bán nguyệt chứ không phải hình vuông hoặc tròn như các quốc gia khác. Bánh được làm từ bột gạo, đậu xanh, đường và lá thông. Màu sắc bánh đa dạng và đẹp mắt. Dịp này, người dân sẽ mặc áo Hanbok, ăn những món ăn truyền thống như bánh songpyeon, thịt viên áp chảo, bánh đậu xanh và uống rượu sindoju...
Tết Trung thu là một phong tục rất có ý nghĩa dù có ở trong thời nào đi nữa. Đó là ý nghĩa của chăm sóc, của báo hiếu, của biết ơn, của tình thân hữu, của đoàn tụ, và của thương yêu. Hi vọng sau khi đọc bài viết này, bạn có thể hiểu rõ hơn về nguồn gốc ý nghĩa của ngày Tết Trung Thu này nhé.
Tin liên quan
Từ khóa: tết trung thu, nguồn gốc tết trung thu, ý nghĩa tết trung thu, trung thu
Không có bình luận nào cho bài viết.
Viết bình luận