Khi cái nắng gắt gao của mùa hạ bắt đầu dịu xuống, thay vào đó là ánh nắng vàng mơ màng của mùa thu và phố phường bắt đầu tràn ngập sắc xanh đỏ của những chiếc đèn lồng, thì chẳng cần nói ra, ai cũng biết rằng một mùa Trung Thu nữa lại sắp về trên khắp mọi miền đất nước.

Trung Thu là Tết đoàn viên

Là người Việt Nam, nhắc đến trung thu, hẳn ai cũng có những cảm xúc và kỉ niệm của riêng mình về ngày tết này. Vậy Trung thu trong bạn là gì? Là chiếc đèn ông sao xanh đỏ, là bánh nướng bánh dẻo là phá cỗ, đón trăng rằm hay những phố lồng đèn tấp nập người xúng xính chụp ảnh, mua hàng?

Từ lâu, Trung thu hay còn gọi là Tết đoàn viên đã trở thành một trong những dịp Tết cổ truyền của người Việt Nam. Cứ đến rằm tháng 8 hàng năm, nhà nhà lại quây quần bên nhau để cùng thưởng thức bánh nướng, bánh dẻo, nhâm nhi tách trà, “tám” vài ba câu chuyện vui vui.

Mỗi năm, khi Tết Trung Thu đến, những hoài niệm ấy lại trỗi dậy, làm cho chúng ta nhớ về tuổi thơ và những kỷ niệm đáng quý. Chúng ta nhớ về cảm giác hạnh phúc khi nhận được những chiếc bánh trung thu từ người thân yêu và bạn bè. Nhớ về những buổi tụ tập gia đình, khi mọi người cùng nhau ngắm trăng, ăn bánh và chia sẻ những câu chuyện vui vẻ.

Năm nay, một mùa Trung thu nữa lại đến. Tuy nhiên, mỗi thời mỗi khác, Trung thu xưa và nay đều đã có những thay đổi theo sự phát triển của xã hội. Theo guồng quay của cuộc sống mà mọi thứ đều phải trải qua lớp bụi trầm tích của thời gian. Có người sẽ cảm thấy bồi hồi tiếc nuối về những nét truyền thống xưa cũ, có người lại hào hứng đón chờ những điều mới mẻ. 

1. Bánh trung thu

Bánh trung thu xưa lấy nguồn nguyên liệu gần gũi, giản dị, chỉ gói gọn trong vòng bánh nướng, bánh dẻo nhân thập cẩm, hoặc cùng lắm có thêm cái bánh dẻo chay... Song với hương vị cổ truyền vẫn làm say lòng nhiều thế hệ.

Ngày nay, ẩm thực hiện đại đã cho ra đời rất nhiều loại bánh với các loại nhân đặc sắc, mẫu mã khác nhau. Không còn bó hẹp ở chiếc bánh nướng, bánh dẻo truyền thống, bánh trung thu theo thời gian cũng phát triển với rất nhiều dòng sản phẩm, linh hoạt đáp ứng nhu cầu thưởng thức, biếu tặng của mọi người.

Bánh Trung Thu với đa dạng mẫu mã

Những chiếc bánh trung thu ngày nay được biến tấu thành nhiều hình dạng như thỏ ngọc, bông hoa,… Bên cạnh đó còn đa dạng hương vị như chocolate, tiramisu, cà phê, matcha, trứng muối,…

Nhưng ngày nay chẳng còn ai háo hức ăn bánh trung thu như xưa. Bánh trung thu bây giờ là để người lớn biếu tặng lẫn nhau. Chẳng ai trông ngóng như ngày trước, chẳng cần đếm ngược từng ngày. Trung thu bây giờ đến rồi đi như một ngày lễ bình thường trong năm.

2. Đồ chơi Trung Thu

Đèn kéo quân, đèn ông sao năm cánh biến mất dần, hoặc không còn thu hút sự chú ý của trẻ con thời nay nữa, thay vào đó là hàng trăm mẫu đèn với màu sắc và hình thù khác nhau, có cả nhân vật từ các bộ phim hoạt hình nước ngoài, đa phần chạy bằng pin và điện, còn có thể phát ra các bài nhạc vui tai.

Trẻ con hào hứng mỗi dịp Trung Thu xưa

3. Hóa trang Trung Thu

Trung thu ngày xưa, trẻ con hay được bố mẹ mua cho những chiếc mặt nạ giấy bồi hình chị Hằng, chú Cuội,… làm từ giấy màu, keo dán vô cùng bắt mắt được sản xuất từ các làng nghề truyền thống. Ngày nay, dường như những chiếc mặt nạ ấy đã dần trở nên mai một, thay vào đó là các sản phẩm du nhập từ nước ngoài với đủ các hình thù kỳ dị, trông như đồ dùng hoá trang cho ngày Halloween vậy.

4. Đi chơi Trung Thu

Theo truyền thống, trong đêm Trung thu, người Việt sẽ tổ chức múa lân trong tiếng trống huyên náo tưng bừng. Các em nhỏ được phá cỗ trông trăng ở gia đình hoặc khu xóm và hoà mình vao các trò chơi dân gian như rồng rắn, hát đồng dao,…

Ngày nay, một số nét truyền thống ấy vẫn được duy trì, tuy nhiên, tại khu vực đô thị, trẻ em thường được bố mẹ đưa tới những địa điểm tổ chức Trung thu tại các trung tâm thương mại sầm uất hoặc ra đường ngắm phố phường.

Nếu muốn, chúng ta hãy cứ hoài cổ và nhớ về những Trung thu xưa cũ. Nhưng đừng quên, tình cảm được gửi gắm trong 2 chữ “đoàn viên” mới là hồn cốt của Tết Trung thu. Có nó, cuộc sống hiện đại vẫn hoàn toàn có thể tạo ra những Trung thu đáng nhớ, để rồi chúng ta sẽ lại bồi hồi nhớ về những “Trung thu xưa” của riêng mình trong những năm tháng sau này…


Tin liên quan

Từ khóa: trung thu, trung thu xưa và nay, sự khác nhau giữa trung thu xưa và nay

Không có bình luận nào cho bài viết.

Viết bình luận

TOP