Vốn dĩ đã đi lên cùng với tiếng là làng có nghề truyền thống làm bánh đa nem, mì gạo, nghề gốm. Làng Thổ Hà khuất sau những tiếng xe cộ, phố xá nhộn nhịp. Nằm ở xã Vân Hà, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. Được coi là mảnh đất “địa linh nhân kiệt," nổi tiếng trong cả nước với nghề làm gốm và quần thể kiến trúc cổ thuần Việt mang đậm dấu ấn của văn hóa đồng bằng Bắc Bộ.

Thổ Hà đang là một địa chỉ quen thuộc, hấp dẫn của khách du lịch trong và ngoài nước, của những người nghiên cứu về kiến trúc và mĩ thuật, của những nghệ sĩ và nghệ nhân về tìm cảm hứng tại Bắc Giang. Chương trình tham quan của khách du lịch có thể là: ngắm cảnh trên bến dưới thuyền của dòng sông Cầu, thăm đình làng, chùa, cổng làng, văn chỉ, xem các cây đa cổ thụ, thăm một số nhà cổ trong làng, xem những ngõ xóm hun hút đẹp với vẻ cổ kính, thăm lò sản xuất gốm, thăm các gia đình sản xuất bánh đa nem và mỳ gạo bằng máy và thủ công, thăm các gia đình nấu rượu gạo.Dần trở thành một món ăn một món đặc sản của Bắc Giang. Khi về du khách nên mua vài trăm bánh đa nem, vài cân mỳ gạo, vài lít rượu gạo nếp để làm quà biếu đặc sản Bắc Giang. Món ăn của thổ hà vừa dân giã vừa mang lại cảm giác sự riêng biệt về đặc sản nổi tiếng nơi đây. Nếu du khách thích cảm giác mạnh hãy đến thăm Thổ Hà khi nước sông Cầu ở mức báo động số 3.

Đình Làng Thổ Hà- Ảnh: Vua đặc sản sưu tập

Khi du khách đến thăm Thổ Hà có thể đồng thời đến thăm hai địa điểm du lịch nổi tiếng nữa của đất Kinh Bắc, đó là Chùa Bổ Đà và Đền Bà Chúa Kho. Các địa điểm này chỉ cách nhau từ 3 đến 5 km.
Đường đi tới làng: từ Hà Nội theo quốc lộ 1 về hướng Bắc 31 km tới thành phố Bắc Ninh, rẽ trái đi 3 km tới phố Đặng, ngược theo đê sông Cầu 1 km thì tới bến đò Thổ Hà, sang đò là tới làng.

THỔ HÀ - LÀNG NGHỀ VANG BÓNG MỘT THỜI 

NGHỀ GỐM


Nghề gốm Thổ Hà có từ thế kỉ 12 và là một trong ba trung tâm gốm sứ cổ xưa nhất của người Việt, bên cạnh Phù Lãng và Bát Tràng. Theo gia phả làng nghề và những mẫu hiện vật khảo cổ được tìm thấy thì Thổ Hà là một trong những chiếc nôi của nghề gốm sứ. Thổ Hà đã là một thương cảng gốm tấp nập của vùng Kinh Bắc. Sự hưng thịnh của nghề gốm đã giúp người dân xây dựng một quần thể kiến trúc đình, chùa, văn chỉ, cổng làng, điếm bề thế uy nghi.


Làng Gốm Thổ Hà Bắc Giang- Ảnh: Vua đặc sản sưu tập

Trong làng còn lưu truyền câu chuyện ông tổ nghề gốm làng Thổ Hà là tiến sĩ Đào Trí Tiến. Vào cuối thời Lý (1009 - 1225) ba ông Đào Trí Tiến, Hứa Vĩnh Cảo và Lưu Phong Tú cùng làm quan trong triều và được cử đi sứ Bắc Tống (960 - 1127). Sau khi hoàn tất sứ mệnh, trên đường trở về nước qua Thiều Châu, tỉnh Quảng Đông gặp bão, phải nghỉ lại. Ở đây có lò gốm nổi tiếng, ba ông đến thăm và học được kỹ thuật làm gốm. Về nước Đào Trí Tiến truyền nghề làm hàng gốm sắc đỏ thẫm cho Thổ Hà, Hứa Vĩnh Cảo truyền nghề làm hàng gốm sắc trắng cho Bát Tràng, Lưu Phong Tú truyền nghề làm hàng gốm sắc vàng thẫm cho Phù Lãng. Trước đây lễ dâng hương Tổ nghề gốm (suy tôn cả ba ông) hàng năm được các nhà làm nghề gốm ở Thổ Hà tổ chức luân phiên nhau tại gia đình.

NGHỀ LÀM BÁNH ĐA NEN 

Từ bột gạo ngoài sản phẩm chính là bánh đa nem người dân còn sản xuất mỳ gạo và bánh đa to rắc vừng. Mỳ gạo Thổ Hà bó thành bó to 1 kilogam trở thành đặc sản nổi tiếng, mỳ nấu dai mà không nát, nghề làm mỳ gạo có trước nghề làm bánh đa nem hiện nay. Bánh đa vừng Thổ Hà còn ngon hơn bánh đa Kế. Mỗi gia đình làm bánh đa nem và mỳ thường chăn nuôi khoảng chục con lợn, mỗi con lợn nặng trên một tạ mới bán, đó là nguồn thu nhập rất lớn. Nhờ nghề làm bánh đa nem dân làng có một cuộc sống xán lạn hơn xưa, phần lớn các gia đình đều có xe máy, tủ lạnh, ti vi, máy giặt, sinh hoạt không khác thành phố là mấy. 

Làng nghề bánh đa nem- Ảnh: Vua đặc sản sưu tập


Trước đây người làm bánh đa nem phải hì hục quạt lò để tráng bánh bằng phương pháp thủ công, nhưng từ khi có điện, với kỹ thuật tráng bánh mới theo dây chuyền cho năng suất cao đã giảm bớt sự vất vả của con người, năng suất tăng lên gấp ba đến bốn lần. Một gia đình một ngày làm được 250 kg mỳ gạo. Vào những dịp gần tết, bánh đa nem của Thổ Hà làm ra không đủ đáp ứng cho nhu cầu của thị trường. Thời gian bánh bán chạy nhất bắt đầu từ tháng 9 cho đến hết tháng 2 năm sau. Bánh đa nem Thổ Hà mang hương vị thơm man mát, màu trắng ngần vừa thơm, lại vừa dai nên không những có uy tín với khách hàng trong nước mà nhiều chủ đại lý đã đến ký hợp đồng để xuất khẩu sang các nước Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản và rất được những thị trường này ưa chuộng. Tuy nhiên, các hộ dân sản xuất bánh đa nem vẫn còn ở mức nhỏ lẻ, chưa có thương hiệu, bánh đa nem Thổ Hà chưa vào được các siêu thị ở những thành phố lớn.

Làng nghề làm bánh đa nem- Ảnh: Vua đặc sản sưu tập

Ngoài nghề làm bánh đa nem, hiện nay một số gia đình vẫn còn làm nghề nấu rượu, nhưng sản xuất rượu gạo nếp rất ngon và bán với giá cao. Để khẳng định được chất lượng sản phẩm để trở thành đặc sản nổi tiếng mỗi khi du khách đến với Thổ Hà Bắc Giang.

THỔ HÀ - QUẦN THỂ KIẾN TRÚC CỔ THUẦN VIỆT

Thổ Hà còn nổi tiếng với những kiến trúc cổ từ nhà cửa đến cổng làng, khu giếng cổ đều được làm bằng gạch nung và sành đắp nổi không tráng men. Đặc biệt nơi đây còn hiện hữu ngôi chùa cổ kính và ngôi đình bề thế - một kiệt tác của kiến trúc cổ truyền Việt Nam.

Cổng nằm ở ngay đầu làng phía trước đình, bên tả là hồ nước rộng, bên hữu có cây đa hàng trăm năm tuổi mang đậm dấu ấn văn hóa của cư dân đồng bằng Bắc Bộ. Ngoài ra trong làng vẫn còn lưu giữ được một số ngôi nhà cổ xây dựng cách đây trên 100 năm, tiêu biểu cho các ngôi nhà cổ thuộc đồng bằng Bắc Bộ.

Đình Thổ Hà là một ngôi đình nổi tiếng của xứ Kinh Bắc, là bông hoa của nghệ thuật chạm khắc Việt Nam và được xếp hạng là di tích Kiến trúc, Nghệ thuật cấp Quốc gia. Đình được xây dựng vào năm 1692, thời vua Lê Hy Tông và là một công trình kiến trúc quy mô với nghệ thuật điêu khắc độc đáo từng được Viện bảo tàng Viễn Đông Bác Cổ xếp hạng. Ðình thờ thành hoàng làng là Lão Tử và tổ sư nghề gốm Ðào Trí Tiến. Đây là ngôi đình cổ thứ hai ở Bắc Giang (sau đình Lỗ Hạnh được xây dựng năm 1576). Đình Thổ Hà tiêu biểu cho không gian tâm linh, văn hóa của người Việt với nét kiến trúc đặc trưng, các mảng chạm khắc thể hiện đề tài “tứ linh, tứ quý” hoa lá cách điệu, chim thú và con người. Hiện đình còn lưu giữ được chín tấm bia cổ chứa nhiều giá trị nghiên cứu văn hóa, lịch sử.


Cổng làng Thổ Hà- Ảnh: Vua đặc sản sưu tập

Chùa Thổ Hà có tên là “Đoan Minh Tự” là một di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Chùa xây dựng theo kiểu nội công ngoại quốc, có quy mô lớn, bao gồm cổng tam quan, gác chuông và tiền đường. Tam quan chùa nằm sát sau đình. Gác chuông và tiền đường được chạm trổ lộng lẫy với các đề tài rồng mây, hoa lá… Trong chùa có tượng Phật tổ Như Lai to lớn và tượng Phật bà Quan Âm ngồi trên tòa sen. Từ tòa Tam Bảo theo hai dãy hành lang vào tới Động Tiên, là một công trình kiến trúc hiếm có. Động tiên đã ghi lại đầy đủ hình ảnh Thích Ca từ lúc mới sinh ra, lúc trưởng thành và khi lìa bỏ kinh thành vào động tu hành đến đắc đạo. Tiếp theo đi qua sân rộng tới nhà Tổ, nơi đây thờ Sư Tổ và các vị sư đã trụ trì tại chùa. 

 
Đình Thổ Hà Bắc Giang- Ảnh: Vua đặc sản sưu tập

Văn chỉ làng Thổ Hà được xây dựng vào thế kỷ 17, thờ Khổng Tử, Tứ Phối và 72 vị tiên hiền… Nơi đây được coi là cái nôi của nền học thức Thổ Hà. Đây cũng là địa điểm thu hút khá đông du khách đến tham quan, nhất là vào mùa thi cử, các sĩ tử đến đây thắp hương, lễ bái với tấm lòng thành kính mong được đỗ đạt hiển vinh. Văn chỉ làng Thổ Hà được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa ngày 28/2/1999.

Đến với Thổ Hà Bắc Giang du khách sẽ vừa thăm quan các di tích lịch sử trải nghiệm những làng nghề nổi tiếng lại được mang về các đặc sản Bắc Giang làm quà cho người thân vừa độc đáo vừa mộc mạc. 


Tin liên quan

Không có bình luận nào cho bài viết.

Viết bình luận

TOP